Thiết kế và chế tạo Jean_Bart_(thiết_giáp_hạm_Pháp)_(1940)

Có nguồn gốc từ lớp thiết giáp hạm Dunkerque, Jean Bart và con tàu chị em Richelieu, cũng như những chiếc Clemenceau và Gascogne chưa hoàn tất, được thiết kế để đối phó lại mối đe dọa của Hải quân Ý (Regia Marina), khi mà các thiết giáp hạm Vittorio VenetoLittorio được đặt lườn vào năm 1934. Tốc độ, sự bảo vệ, vũ khí trang bị và kỹ thuật nói chung của chúng khá tiên tiến, so sánh với những tàu chiến đương thời. Cách sắp xếp tháp pháo cho dàn pháo chính bao gồm tám khẩu pháo 380 mm/45 Modèle 1935 khá bất thường, với hai tháp pháo bốn nòng hướng ra phía trước.

Trong những giới hạn do Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 đặt ra, việc lựa chọn tháp pháo bốn nòng hướng ra trước có ưu điểm tiết kiệm trọng lượng dành cho vỏ giáp của tháp pháo, so với cấu hình bốn tháp pháo nòng đôi, trong khi có cùng một sức mạnh hỏa lực. Khuyết điểm của cách bố trí này là một phát đạn pháo may mắn duy nhất bắn trúng tháp pháo cũng đủ để loại khỏi vòng chiến một nửa hỏa lực dàn pháo chính của con tàu. Mặc khác, khi toàn bộ dàn pháo chính đều bắn hướng ra phía trước, con tàu rút ngắn khoảng cách nhằm tiếp cận đối phương ở một góc mà nó có tiết diện mục tiêu nhỏ nhất có thể có.

Jean Bart được đặt lườn vào tháng 12 năm 1936, và được hạ thủy vào ngày 6 tháng 3 năm 1940. Chỉ mới hoàn tất được 75% và động cơ chưa từng hoạt động lần nào, nó được vị chỉ huy, Đại tá Hải quân Ronach đưa ra khỏi ụ tàu tại St. Nazaire để tránh lọt vào tay quân đội Đức đang tiến quân đến gần. Chỉ có một trong hai tháp pháo 380 milimét (15 in) được trang bị; tháp pháo thứ hai, chỉ với hai khẩu pháo, được chất lên một chiếc tàu chở hàng để cho đi theo cùng, nhưng bị đánh chìm bởi một tàu ngầm U-boat. Dàn pháo hạng hai 152 mm cũng chưa được gắn, và được thay thế bằng các khẩu đội súng máy phòng không. Giống như mọi lực lượng hải quân và lục quân khác hiện diện tại Bắc Phi vào lúc đó, Jean Bart thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Vichy Pháp.